6 thay đổi tư duy biến viết lách thành cuộc dạo chơi mỗi ngày
Viết không phải nhiệm vụ. Hãy để viết lách trở thành người bạn đáng yêu nhờ những cách tư duy dịu dàng và thú vị này.
Khi bạn nghĩ đến viết lách, điều gì hiện ra trong tâm trí:
Những trang giấy trắng lạnh lùng trước màn hình máy tính?
Áp lực về câu chữ, ý tứ hoàn hảo mình phải có?
Hay là một nhiệm vụ mà bạn cứ lần lữa mãi không muốn bắt đầu?
Hãy thử tưởng tượng nếu viết lách không phải là một cuộc đua khốc liệt, một công việc khắt khe mà là một cuộc dạo chơi của những ngón tay trên bàn phím, nơi mỗi từ ngữ bạn viết ra đều như những tâm tư nhẹ nhàng muốn thể hiện hay trút bỏ.
Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn khám phá 6 thay đổi tư duy giúp bạn biến mỗi lần viết thành một trải nghiệm thú vị, thoải mái, và đầy sáng tạo. Hãy cùng bắt đầu cuộc hành trình này và tìm ra cách để viết lách trở thành người bạn đồng hành đáng yêu của bạn mỗi ngày.
Những thay đổi này có thể tạo ra tác động đáng ngạc nhiên đến niềm vui viết và năng suất của bạn:
1. Tạm biệt “Tôi nên”, đón chào “Tôi muốn”
Cứ mỗi lần nghĩ "Tôi nên", là như thể tự đặt mình vào một ngục tù tinh thần.
Thay vào đó, hãy thử biến nó thành "Tôi muốn" hoặc "Tôi chọn". Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sự thay đổi nhỏ này có thể biến đổi hoàn toàn cách bạn nhìn nhận việc viết.
Viết không còn giống như một công việc vặt nữa. Mình luôn cảm thấy may mắn vì mình có cơ hội để viết. Như Pamela Wilson đã đề xuất, cô ấy xoa hai tay vào nhau trong sự chờ đợi và nói: “Hôm nay, tôi sẽ viết.”
2. Cam kết lời hứa nhỏ cho ngày mai
Sau khi bạn đã lựa chọn việc viết, hãy đưa ra một cam kết nhỏ, cụ thể.
Vào cuối ngày (hoặc khi kết thúc việc viết), mình thường quyết định xem mình sẽ làm việc gì vào ngày hôm sau. Việc này cũng giống như bạn chuẩn bị quần áo đi làm cho ngày mai hoặc sắp xếp hành lý trước một chuyến du lịch: Thay vì dành nhiều phút đồng hồ để loay hoay mình cần gì, bạn chỉ việc mang theo và thưởng thức nó.
Cam kết hoạt động hiệu quả nhất nếu chúng cụ thể. Nếu bạn viết ở những nơi khác nhau, hãy quyết định khi nào và ở đâu bạn sẽ viết. Ví dụ: “Ngày mai, tôi sẽ đến quán cà phê địa phương lúc 11 giờ sáng để uống cà phê và tôi sẽ viết thư trong 30 phút.”
Bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ hiệu quả khi mọi thứ được lên kế hoạch trước!
3. Đặt nỗi sợ lên trang giấy
Viết ra nỗi sợ hãi giống như việc lựa chọn đối đầu với thứ bạn sợ khi còn nhỏ. Lần đầu tiếp xúc với một chú chó to bự, lần đầu học đạp xe hay lần đầu tự mình bước vào cửa hàng mua một món đồ mà không có người lớn đi cùng. Bạn thấy, hiểu và rồi có thể mỉm cười vì nó không ghê gớm đến vậy.
Viết ra nỗi sợ hãi của bạn cũng có tác dụng mạnh mẽ trong việc giúp tạo ra một khoảng cách nhỏ, giúp bạn dễ dàng quan sát những lời tự nói tiêu cực về bản thân. Một số nỗi sợ hãi có thể biến mất. Một số khác thì không.
Mình từng viết ra danh sách nỗi sợ hãi của riêng mình vào tháng 3 năm 2017, sau đó cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng vì gần như được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi của mình. Mình có thể thừa nhận chúng và tiếp tục viết.
Viết là một hành động dũng cảm, và việc đối diện với nỗi sợ chỉ là bước đầu tiên để làm chủ nó.
4. Xem nghịch cảnh là thử thách
Mình từng coi căng thẳng là kẻ thù vì nó không tốt cho sức khỏe và tự thấy mình không đủ mạnh mẽ để đối mặt với cảm giác căng thẳng khi xuất bản các bài viết trong giai đoạn đầu tập viết.
Nhưng bước ra khỏi vùng an toàn của chúng ta là căng thẳng nhưng là một loại căng thẳng tốt. Không có căng thẳng, cuộc sống như một chuyến đi tàu lượn mà không có những khúc cua, không có gì thú vị cả. Sự đều đặn và bình thản có thể tạo cảm giác thoải mái thời gian đầu, nhưng rồi bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên nhàm chán — nó có thể trôi qua nhẹ nhàng, nhưng không có thách thức cá nhân — không có sự phát triển.
Khi bạn chấp nhận căng thẳng như một thử thách, bạn sẽ trở nên kiên cường hơn, tư duy sáng tạo hơn, suy nghĩ rõ ràng hơn và hành động tích cực.
5. Trở thành một người viết theo chủ nghĩa thực dụng
Viết bản nháp đầu tiên luôn là phần khó nhất. Hãy chấp nhận rằng bản nháp đầu có thể chẳng ra gì, nhưng nó vẫn là một chiến thắng.
Chủ nghĩa hoàn hảo của bạn có thể áp dụng ở một giai đoạn khác của quá trình viết. Bạn thấy khó nhất ở phần nào trong quá trình viết? Xác định mức “đủ tốt” cá nhân của bạn để bạn vượt qua rào cản viết lách dễ dàng hơn.
6. Ngừng nghĩ “Tôi không thể vì…”
Việc chuyển đổi “Tôi không thể vì…” thành “Tôi có thể nếu…” đã giúp mình tìm kiếm các giải pháp sáng tạo hơn cho những hạn chế về thời gian và năng lượng.
Ví dụ, vào tháng 3 năm 2019, mình đã bắt đầu lên ý tưởng cho các khoá học online. Mình tâm huyết vô cùng nhưng lại bị các công việc với khách hàng cuốn đi và cứ trì hoãn mãi về mặt thời gian. Nhưng khi mình áp dụng thủ thuật “Mình có thể nếu…”, mình đã quyết định chuyển đổi và sắp xếp lại các ưu tiên công việc, tập trung vào hoàn thành khoá học đầu tiên rồi mới làm những việc khác.
Bạn thân mến,
Viết lách không phải lúc nào cũng dễ dàng. Kể cả khi bạn cực kỳ muốn viết, cuộc sống vẫn luôn có những cản trở:
Chúng ta bị ốm.
Chúng ta mất một khách hàng quan trọng.
Chúng ta quá bận rộn.
Chúng ta thiếu tự tin vào kỹ năng của mình.
Chúng ta không biết bắt đầu từ đâu.
Những lý do cho việc không viết lách có rất nhiều, và có những giai đoạn trong cuộc đời chúng ta không thể viết nhiều hơn.
Nhưng khá thường xuyên, chúng ta viện cớ để che giấu nỗi sợ hãi của mình bằng việc tự nhủ: “Tôi không thể vì…,”. Vì lẽ đó, chúng ta đánh mật sự nỗ lực của bản thân.
Nếu bạn thực sự muốn viết nhiều hơn, hãy thử thay thế “Tôi không thể vì…” bằng “Tôi có thể nếu…”
Ví dụ: Thay vì tự nhủ rằng mình không thể viết vì không biết viết về cái gì, bạn có thể thử:
Tôi có thể làm một bài đăng trên blog vào ngày mai nếu biết phải viết về điều gì và tôi có thể tìm thấy chủ đề để viết nếu dành 15 phút suy nghĩ vào tối nay. Hoặc nếu tôi gọi điện cho một khách hàng vào chiều nay và hỏi câu hỏi nhức nhối nhất của họ lúc này là gì .
Hoặc nếu bạn không thể tìm thấy thời gian để hoàn thành cuốn sách của mình vì quá bận, bạn có thể thử:
Tôi có thể tìm thấy thời gian để làm việc trên cuốn sách của mình nếu tôi ngồi xuống xem xét lịch trình hàng ngày của mình, vì nó có thể giúp tôi biết mình có thể giảm bớt những công việc nào. Chẳng hạn, nếu tôi dành ít hơn 50% thời gian trên mạng xã hội, tôi sẽ giành được ba giờ mỗi tuần, tôi có thể dành để viết sách của mình. Hoặc nếu tôi giảm tần suất xuất bản blog của mình từ bốn lần xuống hai lần mỗi tháng, tôi có thể viết hai chương sách ngắn mỗi tháng. Hoặc nếu tôi dừng hợp tác với khách hàng trả tiền thấp nhất, hút nhiều năng lượng nhất của mình, thì tôi sẽ có nhiều năng lượng hơn để viết.
Tuy nhiên, nếu bạn là một người nghiện công việc, hãy cẩn thận với thủ thuật này. Đừng sử dụng nó để đặt tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân. Thay vào đó, hãy suy nghĩ sáng tạo về những gì bạn có thể làm ít hơn để có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc viết.
Gợi ý hành động cho bạn hôm nay:
Chọn một trở ngại trong viết lách mà bạn muốn tiếp tục, viết nó ra và tìm cách để giải quyết nó. Bạn sẽ thấy rằng điều tưởng chừng không thể trở nên khả thi và dễ dàng hơn rất nhiều.