Bạn đang ở đâu trên hành trình viết?
Muốn đi xa hơn, bạn cần biết mình sẽ đi tới đâu, làm thế nào để đi tới đó. Nhưng quan trọng, ở điểm bắt đầu, bạn cần biết mình đang đứng ở đâu và nên lựa chọn điều gì.
Viết không phải là một điểm đến, nó là một hành trình khám phá. Trong một số giai đoạn của người viết, những tác động từ viết lách và sự thay đổi của cuộc sống khiến chúng ta không bao giờ có thể quên. Đó có thể là lần đầu tiên được 9 điểm viết văn, lần đầu tiên có bài đăng báo, lần đầu tiên có giải thưởng viết, lần đầu tiên được khen ngợi vì một bài đăng, lần đầu tiên nhận được lời cảm ơn vì những bài viết hoặc lần đầu tiên xuất bản một cuốn sách…
Lần đầu tiên mình tham gia một nhóm bút và có những bài viết đầu tiên cộng tác cho một tờ báo thiếu niên là năm mình 15 tuổi, vậy là đã 20 năm theo đuổi viết lách dù 3/4 quãng thời gian đó viết không phải là nghề nghiệp chính. Hai thập kỷ trôi qua, nhìn lại cả một chặng đường, mình nhận ra mình đã trưởng thành ra sao so với những ngày đầu tiên, đã vượt qua những trở ngại và rào cản lớn như thế nào.
Trong nội dung hôm nay, mình muốn chia sẻ với bạn về những cấp độ khác nhau của hành trình viết, do chính mình đúc rút ra. Bạn có thể đã biết hoặc tự xây dựng cho mình theo những tiêu chí và công thức khác, hãy coi đây là một tài liệu tham khảo và thử chiêm nghiệm với chính mình. Muốn đi xa hơn, bạn cần biết mình sẽ đi tới đâu, làm thế nào để đi tới đó. Nhưng quan trọng, ở điểm bắt đầu, bạn cần biết mình đang đứng ở đâu và nên lựa chọn điều gì.
Có 4 cấp độ trong hành trình viết mà một người viết thường trải qua (và cũng đúng với trải nghiệm của mình), đó là:
Cấp độ 1: Viết cho chính mình nhưng là dạng nhật ký, mình là độc giả duy nhất, không công khai bài viết.
Cấp độ 2: Viết cho chính mình, viết những gì mình thích nhưng bắt đầu công khai bài viết và mình không còn là độc giả duy nhất nhưng coi viết chỉ là một sở thích.
Cấp độ 3: Bắt đầu nghĩ tới việc biến viết thành một công việc, viết theo yêu cầu của người khác, theo nhu cầu của độc giả, viết để được trả tiền (mà đôi khi có thể phải gác lại những mong muốn viết của bản thân).
Cấp độ 4: Có một cộng đồng độc giả, viết cho chính mình nhưng luôn hướng về độc giả, được độc giả trả tiền để viết hoặc cho những sản phẩm liên quan tới viết. Sống bền vững nhờ nghề viết!
Theo mình thì đây là cách duy nhất và đơn giản nhất để một người bắt đầu viết lách. Trở lại những thời kỳ vinh quang của Yahoo!360 những năm 200x, mình đã viết miệt mài trên các blog mà không cần biết ai là người đọc nó. Nhu cầu duy nhất là viết cho bản thân mình, viết về các các sự kiện, suy nghĩ của mình và thường là để ở chế độ riêng tư.
Ở cấp độ này, đôi khi chúng ta viết để tồn tại, để đạt được một số cảm giác kiểm soát trong những giai đoạn bất ổn của cuộc đời. Đôi khi chúng ta viết để nhớ, có lẽ là để đương đầu với những chuyển biến cuộc đời luôn đi kèm mất mát. Đôi khi chúng ta viết để khám phá, có lẽ là do được truyền cảm hứng từ người khác, từ một địa điểm, sự vật sự việc nào đó và để tìm cách phát triển. Đôi khi chỉ đơn giản là thích viết mà thôi.
Viết cho chính mình ở giai đoạn sơ khai có thể thể hiện qua việc bạn viết nhật ký, ghi chép lại những gì bạn thấy hữu ích từ tác phẩm mà bạn yêu thích. Bạn không cảm thấy căng thẳng hoặc thậm chí không có ý niệm về chuyện tôi bị đánh giá bởi người khác, không có áp lực từ phía đối tượng độc giả, không lo lắng về những gì người khác nghĩ về việc mà bạn đang làm. Bạn thích viết vì đơn giản là bạn thích và bạn tập trung vào một người duy nhất bạn muốn thực sự viết cho: chính bạn. Nói một các khác, ở cấp độ này, bạn viết VỀ chính mình.
Ở cấp độ này, bạn có thể vẫn viết VỀ bản thân, nhưng dạng thức viết có thể không phải là nhật ký và để ở chế độ riêng tư nữa. Bạn đã bắt đầu công khai bài viết, dù là ở trong những nhóm rất nhỏ.
Thông thường, khi viết cho chính mình, chúng ta sẽ viết với niềm đam mê. Bạn sẽ thấy mình mất ít thời gian hơn (mình sẽ minh hoạ ở biểu đồ phía dưới), chủ yếu là làm rõ suy nghĩ, không lo lắng nhiều về câu chuyện biên tập sửa chữa. Bạn bắt đầu công khai bài viết nhưng không gặp quá nhiều áp lực về việc đó. Bạn tập trung vào việc viết ra các suy nghĩ và cải thiện cách mình suy nghĩ theo thời gian. Bạn có thể chọn chia sẻ nó hoặc không, tuỳ vào tâm trạng và áp lực mà bạn có.
Nói chung, viết cho chính mình là một cách rất tốt để khai thác sự sáng tạo. Chúng ta không bị ám ảnh về người đọc trong tưởng tượng (những nhà phê bình) và vì độc giả là chính mình nên chúng ta sẵn sàng viết những gì mình thích.
Viết cho chính mình theo cách này, bạn sẽ nuôi dưỡng cho mình sức mạnh nội tại. Viết cho chính mình bắt nguồn từ bên trong và nó cũng mang lại những giá trị rất tuyệt vời cho người viết, như là:
Bạn sẽ thực sự khám phá được thế giới quan và tầm nhìn của bản thân qua việc viết cho mình.
Bạn sẽ thấy vui và tự do, nó là sân chơi của bạn, bạn không phải lo mình có thông minh không, đủ tốt không hay làm hài lòng bất kỳ ai ngoại trừ chính mình.
Bạn sẽ thấy mình sáng tạo hơn, dám thử nghiệm, chấp nhận rủi do và thử những ý tưởng mới.
Bạn không bị những kỳ vọng của người khác nhấn chìm và tin vào bản năng riêng có của mình.
Tuy nhiên, cho dù bạn có thể kiếm được vài người theo dõi, đăng ký… thì chắc chắn bạn cũng chưa thể sẵn sàng kiếm tiền từ việc viết, có danh tiếng (nếu bạn có mục tiêu này)… như những người đã chuyển sang cấp độ 3 và 4. Chưa kể, những người ở cấp độ 3,4 còn cần thêm các kỹ năng khác nữa để vận hành công việc của họ chứ không phải chỉ có biết viết là đủ.
Đây có lẽ cũng là cấp độ mình thường khuyến khích và ủng hộ các cây viết có tiềm năng hướng tới nếu họ muốn có thu nhập từ nghề viết. Tất nhiên, khi viết cho người khác, chúng ta có thể không có được sự chăm chút nhiều cho sức mạnh nội tại, bởi vì rất có thể bạn không viết những gì bạn vốn thích mà là đang viết thứ người khác thích.
Biểu đồ dưới đây của mình có thể phần nào giúp bạn hiểu thêm về quy trình và kết quả khi viết cho chính mình và viết cho độc giả.
Rất nhiều bạn muốn kiếm tiền từ viết nhưng chọn cách viết cho chính mình và xuất bản bài viết trên các nền tảng cá nhân, tuy nhiên phần lớn trong số đó bỏ cuộc sau khi viết công khai trong một vài tháng. Tại sao vậy?
Khi viết cho chính mình, thời gian bạn phải nghĩ chủ đề, viết, sửa ít hơn, vì vậy khả năng chia sẻ nó cũng ít hơn. Và vì không có người đọc cụ thể, bài viết của bạn có thể chẳng nhắm tới ai cả, nó cũng chẳng phục vụ cho người đọc nào hết ngoài thoả mãn chính bạn.
Khi viết cho độc giả, bạn nghĩ ý tưởng, hoàn thành bài viết, biên tập nó đều mất thời gian hơn nhiều và vì bạn biết mình cần viết cho ai, bạn phục vụ họ và họ sẽ dễ dàng đón nhận hơn.
Mình đã có một khoảng thời gian rất dài viết cho bản thân, viết rất nhiều những điều mà không cần quan tâm người đọc là ai. Tất nhiên, chẳng kiếm được gì từ việc viết nhưng vẫn thấy vui vì viết là sở thích của mình. Cho tới thời điểm cách đây 8 năm, mình nhận ra viết không thể chỉ về mình thêm nữa nếu mình muốn sống bằng việc viết. Mình bắt đầu khoanh vùng nhóm độc giả cụ thể, liên quan tới chuyên môn mà mình làm việc. Vì làm việc lâu năm trong lĩnh vực Truyền thông tiếp thị, mình tập trung viết về chủ đề này, hướng tới nhóm người có cùng mối quan tâm. Sau 1 năm, mình có khoảng hơn 5000 độc giả thân thiết và có những khách hàng đầu tiên chủ động thuê mình tư vấn và viết các nội dung tiếp thị giúp cho họ. Lĩnh vực thì vô cùng đa dạng: từ thời trang mỹ phẩm tới nghệ thuật, tâm lý, sức khoẻ, dược phẩm, đồ uống, bán lẻ… Trong nhiều năm, phần lớn nội dung mình viết là cho khách hàng và độc giả của họ, dù đó có thể không phải là những gì mình thực sự thích viết về. Nhưng mục tiêu của mình là… kiếm sống được nhờ nghề viết.
Mình học được những điều này khi viết cho người khác:
Cố gắng khai thác câu chuyện tuyệt vời hơn, với góc độ mới mẻ hơn để thuyết phục người đọc.
Không thể nuông chiều bản thân, không cho phép mình được sai và luôn sẵn sàng phục vụ.
Sự phản ứng và phản hồi của độc giả/khách hàng giúp mình đo được kỹ năng của mình đã tiến bộ ra sao, hiệu quả của những bài viết là như thế nào và tiếp tục trau dồi, gọt dũa mình thêm nữa.
Không quá giàu nhưng đủ sống nhờ việc viết và bán đi những gì mình viết.
Tự tin hơn, dạn dĩ hơn vì đã dám chia sẻ bài viết nhiều hơn, vượt qua các nỗi sợ vô hình từng là rào cản của việc chia sẻ cho người khác.
Hiểu được khía cạnh của niềm vui khi viết mà có người đọc.
Đây có lẽ là cấp độ lý tưởng nhất mà người viết chân chính mơ ước tới.
Nhiều học viên của mình nghĩ rằng các bạn chỉ cần kiếm sống bằng nghề nên tập trung viết cho người khác là được. Nhưng mình không tin đó là sự lựa chọn bền vững. Đã có những thời điểm mình nghĩ rằng tập trung viết cho người khác sẽ giúp mình có thu nhập tốt hơn. Nhưng trải nghiệm rồi mình lại thấy điều ngược lại. Thu nhập mà một người viết tự do độc lập như mình viết cho khách hàng cao lắm đạt được 100,000,000đ một tháng. Còn khi viết cho mình mà được người đọc đón nhận, mình có thể kiếm được tới 400,000,000đ một tháng.
Sẽ có những thời điểm bạn có cảm giác kiệt sức khi phải chạy theo nhu cầu của người khác mà đánh mất đi hoặc quên đi những mong muốn thật sự từ bên trong mình. Nội tâm không được nuôi dưỡng cũng sẽ dần khiến bạn yếu đuối và không còn lửa để tiếp tục “chiến đấu”. Mình chưa từng thấy ai có thể đi viết cho người khác cả đời. Hoặc họ sẽ từ bỏ, hoặc họ nhận ra những gì mình viết cho độc giả cũng chính là những gì mình đam mê và họ tiếp tục dấn thân với nó, tìm niềm vui và năng lượng trong nó.
Có lẽ, sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta có thể làm tốt cả hai cùng một lúc: vừa viết cho chính mình và đó cũng chính là điều độc giả cần.
Còn gì tuyệt vời hơn khi hoàn thành một cuốn sách về điều bạn tâm huyết mà lại được rất nhiều độc giả đón nhận? Khi những bài viết của mình được chia sẻ, giới thiệu bởi rất nhiều những người khác và nó không chỉ dừng ở đó?
Có một lời khuyên mà bạn có thể từng nghe thấy đâu đó: Hãy viết cho chính mình nhưng biên tập lại cho người đọc của bạn. Đừng chỉ dừng ở biên tập ngữ pháp, mạch viết, đừng đặt mình ở vị trí trung tâm. Thay vào đó, hãy cải thiện từ ngữ, văn phong để phục vụ người đọc, hãy đặt người đọc vào vị trí quan trọng nhất.
Khi bạn viết, cứ viết theo cách của bạn. Nhưng khi xuất bản, hãy làm nó thành một sản phẩm dành cho người đọc. Họ sẽ cảm ơn bạn vì điều đó, họ sẽ tin tưởng, yêu mến câu chuyện của bạn. Họ sẽ trở thành độc giả, thậm chí độc giả trung thành. Họ sẽ sẵn sàng trả tiền cho bạn để được đọc nhiều hơn. Bạn sẽ có thêm động lực để viết cho họ, nhưng vẫn xuất phát từ những gì bạn muốn. Bạn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm nội dung tốt hơn, chất lượng hơn và được trả nhiều tiền hơn. Bạn sẽ sống bền vững hơn bằng nghề viết và quan trọng là vẫn hạnh phúc trong hành trình viết của riêng mình.
Câu hỏi muôn thuở “Viết cho mình” hay “Viết cho người khác” vẫn tiếp tục được đặt ra hàng ngày trong nhiều hội nhóm về viết. Với riêng mình, câu trả lời phù hợp nhất có lẽ là: Nên viết cho cả bản thân và độc giả của mình. Nhưng bạn hãy hiểu rằng, đầu tiên và quan trọng nhất, bạn sẽ chỉ có thể chọn một trong hai thay vì làm cả hai cùng lúc ở điểm xuất phát.
Không có cách tiếp cận nào sai, vấn đề chỉ là chọn lựa. Bạn thực sự muốn gì, ở thời điểm này, khi bắt đầu hành trình viết?
Cảm ơn chị Linh và Minh đã chia sẻ bài viết rất thiết thực, cực kỳ hữu ích cho những newbie như em. <3