Bạn có thực sự bị bí ý tưởng?
Không, chỉ là bạn TƯỞNG mình không có Ý, tưởng mình bị BÍ mà thôi!
Khi làm công việc chấp bút, mình may mắn gặp rất nhiều người có câu chuyện thú vị. Trong số đó, có 3 người khiến mình ấn tượng mạnh:
Một người từng phải trốn trong hầm nhà để tránh đạn lạc từ 2 phía giao tranh trong cuộc nội chiến, lúc đang đi công vụ ở Congo.
Một người từng ngồi tù nhiều năm ở Mỹ.
Một người, từ cô sinh viên tỉnh lẻ nhà nghèo rớt mồng tơi trở thành quản lý cao cấp trong một tập đoàn tư nhân lớn nhất nhì Việt Nam. Và cũng chính cô sau đó bỏ chức vụ cao cấp với mức lương 300,000,000đ/tháng ấy để khởi nghiệp, bắt đầu từ con số 0, ở độ tuổi 40.
…
Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh sống, một xuất phát điểm với những sai lầm, mắc kẹt và thách thức khác nhau. Chỉ có cùng 1 điểm chung: họ đã thực sự sống.
Trong mục Note trên điện thoại, mình từng ghi 2 câu thế này:
“Muốn viết tốt thì phải luyện. Muốn kể được chuyện thì phải sống”
Mình tin rằng ai cũng có những câu chuyện của riêng mình. Tất nhiên, mình không khuyên các bạn phải lao đầu vào chỗ lửa khói, phải làm việc bá đạo hay đưa ra những quyết định táo bạo thì mới có chuyện để kể.
Ý tưởng về những câu chuyện kể có ở khắp mọi nơi, lên tới hàng trăm thậm chí hàng ngàn ý tưởng và nó chạy ngang qua chúng ta mỗi ngày. Nhưng nếu không chịu dừng lại ở khoảnh khắc nào đó, không thực sự chú tâm, không “sống” trọn vẹn trong từng giây phút, chúng ta chẳng bao giờ bắt được ý tưởng nào để viết đâu.
Trong 50 chủ đề trong số 200 chủ đề mà mình đưa ra trong nhóm On Writing Daily đa phần nó rất bình thường. Nó đa phần không có gì đặc biệt, hầu là những thứ đơn giản như là một cái tên, một suy nghĩ, một sở thích, một cảm xúc… Nhưng nó buộc người viết phải nghĩ về những thứ đơn giản ấy và viết ra được câu chuyện của họ.
90% những bạn khi bước vào đây chia sẻ “Sợ không có ý tưởng” nhưng cũng rất nhiều trong số đó, khi nhận chủ đề lại có thể viết ngay, thậm chí rất nhanh những câu chuyện của mình. Nói về cùng một thứ, nhưng mỗi người lại nói bằng những cách khác nhau, không có ai giống ai hết bởi vì nó được viết từ những quan sát, cảm nhận, lắng nghe, tư duy và giọng điệu của riêng mỗi người.
Đâu, làm gì có chuyện chúng ta không có ý tưởng? Chỉ là chúng ta TƯỞNG mình không có Ý, tưởng mình bị BÍ mà thôi.
Nếu chịu lắng lại, nghe, nhìn, cảm, thử thì mọi khoảnh khắc trong cuộc sống, mọi phút giây bạn sống, mọi vật bạn nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy đều có ý niệm riêng và có thể biến chúng thành ý tưởng.
Vậy nên, cuộc chiến tìm ý tưởng không phải là cuộc chiến bên ngoài. Đừng cố gắng kiếm tìm và khoác lên cho mình những bộ quần áo mới, màu tóc mới, lớp trang điểm mới khi bên trong mọi thứ vẫn luôn cũ.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về cách tìm ý tưởng, cách viết, tư duy viết, đặc biệt trong khía cạnh viết tiếp thị, hãy tham gia Workshop Social Content Mastery. Đây là workshop tổng hợp đa mảng kiến thức bạn cần có để sản xuất nội dung social.
Thật ra cuộc chiến thật sự và cũng là cam go nhất, khó khăn nhất, kiên cường nhất là cuộc chiến với chính mình. Ý tưởng có hay không, nhiều hay ít cũng là do mình mà ra. Nếu mình không sống, hoặc sống mà không thực sự đón nhận, chắt lọc những luồng suy nghĩ về sự vật sự việc quanh mình, rồi liên hệ với những gì mình đang phải làm, phải viết hàng ngày thì đọc thật nhiều, xem thật nhiều, nghe vô tội vạ cũng chẳng khác gì thay vỏ bình mới mà rượu thì đã cũ.
Nếu bạn thực sự sống và đang trên hành trình tìm kiếm chính mình (trong cuộc sống, trong công việc, trong niềm tin vào một điều gì đó hay trong viết lách…), bạn sẽ luôn có chuyện để kể.
Và mỗi câu chuyện được bạn kể ra, sẽ luôn có người đón đọc.