Bí quyết mở bài khiến độc giả không thể rời mắt
Mở bài giống như bữa khai vị trong một bữa tiệc. Nếu khai vị nhạt nhẽo, khách mời sẽ bỏ đi trước cả khi món chính được dọn lên! Đừng để nội dung của bạn bị từ chối chỉ vì phần mở đầu thiếu cuốn hút.
Khi bạn viết bất kỳ loại nội dung nào – từ một bài báo, một cuốn sách, đến kịch bản video – phần mở đầu chính là yếu tố then chốt giữ chân người đọc sau khi họ bị tiêu đề thu hút. Một phần mở đầu hiệu quả có thể quyết định xem người đọc có tiếp tục đọc hay không. Sẽ luôn có hai vấn đề ở phần giới thiệu này:
Một là, đây là phần khó viết nhất. Nhiều người chật vật và toát mồ hôi khi cố gắng tạo ra một phần mở đầu tốt. Một số chọn viết nội dung chính trước sau đó mới viết phần giới thiệu. Đó là bởi vì phần mở đầu là một trong những phần quan trọng nhất trong toàn bộ nội dung của bạn – nếu chúng không hấp dẫn, người đọc sẽ bỏ đi.
Hai là, độc giả của bạn và chính bạn sẽ cảm thấy nhàm chán nếu tất cả các phần mở đầu của bạn đều giống nhau. Bạn có thể tự nhận thấy sự nhàm chán đó và nếu chính bạn còn cảm thấy chán, người đọc cũng sẽ như vậy.
Bạn hoàn toàn có thể giải quyết cả hai vấn đề trên với một số gợi ý của mình sau đây. Bắt đầu nhé!
Cách 1: Cho họ biết những điều bạn sắp nói
Đây là cách mở đầu truyền thống, bạn chỉ đơn giản là nói cho người đọc biết họ sẽ nhận được gì khi đọc các nội dung tiếp theo. Cách này tạo ra một sự mong đợi rõ ràng. Nó giúp người đọc nhanh chóng biết được lợi ích mà họ sẽ nhận được, từ đó quyết định tiếp tục đọc. Bạn có thể kết hợp nó với một số cách giới thiệu khác mà tôi sẽ hướng dẫn ngay sau đây.
Ví dụ: Rụng tóc ngày càng trở nên phổ biến ở phụ nữ trẻ độ tuổi sau 30 ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, may mắn là chị em không cần phải quá lo lắng hay tìm uống bổ sung quá nhiều thực phẩm chức năng nếu biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Trong bài viết này, bạn sẽ nhận được một thực đơn ăn uống trong 2 tuần và các bài massage giúp cân bằng hormone và cải thiện chứng rụng tóc chỉ bằng các nguyên liệu và phương pháp hoàn toàn tự nhiên, đơn giản có thể thực hiện tại nhà.
Cách 2: Đặt một câu hỏi
Bạn sẽ cần đặt một câu hỏi mà nội dung bạn viết sau đó sẽ trả lời. Việc đặt câu hỏi sẽ kích thích sự tò mò và làm cho người đọc cảm thấy bị thách thức để tìm ra lời giải. Những gì bạn cần làm là đặt câu hỏi và sau đó cung cấp tổng quan về nội dung bài viết sẽ trả lời câu hỏi đó ra sao.
[Chèn câu hỏi của bạn tại đây, ví dụ “Liệu caffeine có thực sự thúc đẩy quá trình trao đổi chất?”]
Nếu bạn thích kiểu [kiểu người cụ thể, ví dụ “đam mê thể dục”], có lẽ bạn đã tự hỏi [giải thích sâu hơn về câu hỏi]. Sự thật là, có rất nhiều mâu thuẫn và thậm chí thông tin hoàn toàn sai lệch xung quanh [chủ đề]. Đó là lý do vì sao tôi khám phá [những nghiên cứu] để đưa tới cho bạn những thông tin/câu trả lời. Bạn chắc chắn sẽ phải ngạc nhiên khi khám phá ra [một vài điểm khác biệt trong nghiên cứu]. Hãy cùng đọc để tìm hiểu thêm[về chủ đề] nhé!
Ví dụ:
“Bạn nghĩ cái nào tốt hơn: thư bán hàng dài hay ngắn?
”Liệu caffeine có thực sự thúc đẩy quá trình trao đổi chất?”
Cách 3: Chia sẻ số liệu thống kê
Dù là lĩnh vực nào, bạn cũng đều có thể tìm ra những số liệu thống kê có thể thu hút sự quan tâm của độc giả. Số liệu thống kê mang lại độ tin cậy và có thể tạo ra sự ngạc nhiên, thúc đẩy người đọc tìm hiểu sâu hơn. Bạn có thể tìm kiếm các số liệu này ở nhiều nguồn, ví dụ:
Các website tham khảo như wikipedia (nhưng hãy kiểm tra lại các dữ kiện ở cả những nguồn khác để so sánh nhé)
Các website của các tổ chức tin cậy như Worldbank, UNICEF, WHO, webmd.com,...
Các tạp chí học thuật (Google scholar)
Các trang báo lớn đáng tin cậy (BBC, New York Times, Guardian,...)
Ví dụ: Tôi đã rất sốc khi đọc được thống kê là cứ 4 người phụ nữ thì có 1 người bị sảy thai. Đã có nhiều người mẹ bị mất con hơn chúng ta tưởng và có vẻ nhiều người không để ý tới con số này. Có lẽ họ không bao giờ nghĩ mình có thể bị sảy thai nhưng nhìn vào con số 25% thì điều tốt nhất chúng ta có thể làm đó là chuẩn bị. Nội dung bài viết này của tôi sẽ giúp những người mẹ vượt qua tâm lý đau khổ và thậm chí trầm cảm khi không may bị sảy thai.
Cách 4: Chia sẻ một câu trích dẫn
Một cách hay để chúng ta giới thiệu chủ đề của mình là chia sẻ một trích dẫn liên quan. Trích dẫn mang lại sự khích lệ hoặc góc nhìn sâu sắc, giúp khởi đầu bài viết một cách tinh tế và gợi mở. Trích dẫn này có thể là:
Một câu trích dẫn kích thích tư duy, bạn có thể tìm thấy rất nhiều trên brainyquote.com
Trích dẫn từ một người khác trong lĩnh vực bạn đang viết về
Trích dẫn từ một nguồn tin tức
Sau khi đưa ra câu trích dẫn, bạn có thể đưa ra giải thích ngắn gọn vì sao nó liên quan tới nội dung bạn viết và giới thiệu bài viết.
Ví dụ: “Thất bại chỉ là cơ hội để bắt đầu lại một cách thông minh hơn” – Henry Ford. Lần đầu tiên nghe câu nói này. cảm giác bất ngờ và hướng thú khiến tôi luôn nghĩ về nó. Câu nói này trở thành câu trích dẫn yêu thích vì nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc học hỏi từ thất bại. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá cách biến thất bại thành động lực để tiến tới thành công.
Mẫu gợi ý: [chèn một câu trích dẫn]Lần đầu tiên tôi nghe câu nói này, tôi [mô tả những gì bạn cảm thấy/nghĩ đến lần đầu khi biết tới câu trích dẫn]. Nó trở thành câu trích dẫn yêu thích vì [giải thích vì sao câu trích dẫn lại quan trọng đối với bạn và cả người đọc]. Tôi nghĩ [đối tượng cụ thể]hoàn toàn có thể áp dụng vào trong cuộc sống/công việc cụ thể. Tất nhiên, nói ai đó áp dụng ngay lập tức không phải chuyện đơn giản. Đó là lí do vì sao tôi giúp bạn tìm hiểu [mô tả những gì người đọc sẽ học được từ bài viết].
Cách 5: Kể một câu chuyện của chính mình
Đây là cách rất tốt để giới thiệu nội dung vì chia sẻ câu chuyện xây dựng mối quan hệ với người đọc, giúp họ quan tâm tới những gì bạn đang nói và thậm chí làm nội dung của bạn đáng nhớ hơn. Hãy thứ nghĩ lại, còn bao nhiêu công thức toán học vật lý thực sự bạn nhớ nhưng bạn liệu có quên được những câu chuyện về Sơn Tinh - Thuỷ Tinh hay những mẩu truyện dân gian cổ tích? Câu chuyện có sức mạnh tạo sự kết nối cảm xúc, làm cho nội dung trở nên dễ tiếp cận và đáng nhớ.
Bạn có thể:
Chia sẻ về một lần thất bại và đáng xấu hổ (để bắt đầu cho một bài viết về động lực nội tại)
Chia sẻ khoảnh khắc lần đầu bạn đón giao thừa (để bắt đầu cho một bài viết về đặt mục tiêu cho năm mới)
Chia sẻ câu chuyện bạn đi khám răng (để bắt đầu cho một bài viết về cách chăm sóc răng miệng).
Ví dụ: “Viết lại đi! Tối nghĩa quá em.” Lần đâu tiên trong đời và lần thứ 5 trong ngày tôi nhận feedback từ khách hàng của mình cho một mẩu tin quảng cáo. Tôi có những sai lầm, những thất bại và những giây phút nản chí. Nhưng chính những thời điểm đó đó đã giúp tôi học được những bài học quý giá về cách dùng từ, mà tôi sẽ chia sẻ trong bài viết này.
Cách 6: Kể một câu chuyện của người khác
Không nhất thiết lúc nào cũng phải kể câu chuyện của bạn, bạn luôn có thể chia sẻ câu chuyện của người khác. Chia sẻ câu chuyện của người khác cũng có thể tạo sự đồng cảm và làm rõ hơn vấn đề bạn đang nói tới. Chẳng hạn, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ chuyện ông bà của bạn đã vượt qua nghèo khó ra sao để thành công trong kinh doanh.
Ví dụ: Một cậu bạn người Nhật của tôi vừa chia sẻ về chuyện anh ấy đã làm 12 tiếng mỗi ngày trong 5 năm qua thế nào. Rõ ràng làm việc chăm chỉ không có gì xấu, thậm chí còn mang tới nhiều thành công và tiền bạc. Nhưng sau 5 năm, anh bị thoái hóa đốt sống cổ và đau dạ dày mãn tính vì lịch sinh hoạt thiếu điều độ. Thậm chí gần đây khi khám sức khỏe, bác sĩ đang yêu cầu lấy sinh thiết vì nghi ung thư dạ dày. Làm sao để chúng ta có thể cân bằng được công việc và sức khỏe của bản thân? Để bạn làm việc hết mình nhưng vẫn có thể giữ cho mình khỏe mạnh? Đây là một số lời khuyên của tôi.
Cách 7: Tóm tắt một tin tức
Bạn mở đầu bằng cách kể một câu chuyện tin tức có ảnh hưởng trực tiếp tới độc giả của bạn. Tin tức thời sự hoặc câu chuyện gây sốc có thể thu hút sự chú ý ngay lập tức, đặc biệt khi có liên quan đến chủ đề bạn đang viết. Đây được coi là một mẹo “giật gân” đúng cách mà có thể kích thích sự tò mò của độc giả tới bài viết của bạn.
Một bài viết về giảm cân có thể bắt đầu bằng tin tức về một loại thuốc ăn kiêng độc hại đang trôi nổi trên thị trường.
Một bài viết về các nguy cơ khi cho trẻ xem màn hình quá nhiều có thể bắt đầu bằng tin tức một trò chơi bạo lực được chèn vào các video hoạt hình cho trẻ nhỏ.
Ví dụ: Vừa qua, một cô gái trẻ đã tử vong do suy nhược cơ thể do sử dụng thuộc giảm cân cùng chế độ ăn cắt hoàn toàn tinh bột. Giảm cân để lấy lại vóc dáng là tốt, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đánh đổi sự huỷ hoại sức khoẻ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về nguy cơ của các sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc và cách chọn lựa an toàn, cũng như phương pháp kiểm soát calories đúng đắn.
Cách 8: Khiến người đọc tự đánh giá hoặc đặt câu hỏi cho bản thân
Nếu bạn muốn khán giả quan tâm tới những gì bạn viết, có một cách đảm bảo đó là để họ tự xem mình có “đủ điều kiện” hay không. Cách này thúc đẩy sự tương tác và làm người đọc tự nhận thức vấn đề, giúp họ thấy bài viết liên quan trực tiếp đến họ.
Bạn có thể đặt một loạt câu hỏi về điều kiện và thông thường nếu câu trả lời của độc giả là “có”, họ sẽ nhận ra nội dung bạn viết là cần thiết đối với họ rồi tiếp tục đọc.
Ví dụ: Bạn đã bao giờ từng ước mình không phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần với con về một việc nào đó hay chưa? Đã bao giờ bạn thấy con làm rơi lả tả đống sách khỏi kệ chưa? Hoặc bạn có thường xuyên nghe tiếng đồ chơi rơi đầy sàn khi vừa dọn dẹp chưa đầy 5 phút? Con bạn có bao giờ đặt cả nghìn câu hỏi vì sao mỗi khi bạn kể với chúng về một chuyện gì đó hay không? Khi bạn tìm hiểu về chức năng của vỏ não trước trán và sự chậm phát triển vỏ não trước trán ở trẻ, bạn sẽ hiểu tại sao con lại có những hành động, cảm xúc như vậy để thấy dễ thông cảm khi con có hành vi trái với mong đợi của bạn. Sau cùng bạn sẽ biết lý do tại sao phương pháp dạy con tích cực lại vô cùng quan trọng. Biết trẻ nhỏ đang phải đối mặt với sự phát triển não bộ của mình sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cha mẹ, nhờ đó bạn sẽ có cách điều chỉnh những kỳ vọng của mình sao cho phù hợp với con. Đọc bài viết này để biết 7 sự thật về vỏ não trước trán nhé!
Cách 9: Đặt câu hỏi mở/tu từ
Câu hỏi mở hay tu từ có nghĩa là bạn không thực sự mong đợi độc giả phải có câu trả lời. Việc đặt câu hỏi giống như một phương tiện để họ suy nghĩ về một số vấn đề. Câu hỏi mở luôn kích thích suy nghĩ và khuyến khích sự phản hồi từ người đọc.
Mẫu gợi ý: [Đặt câu hỏi, chẳng hạn như “Bạn đã giảm được bao nhiêu cân trong một thập kỷ qua?”]Bạn có đáng sợ khi nghĩ về điều này không? Và giống như [vấn đề chung của những người này], bạn không biết trả lời thế nào. Bởi vì [mô tả lý do vì sao hầu hết mọi người không biết câu trả lời cho câu hỏi này].Tuy nhiên, bắt đầu [đạt kết quả tốt hơn] cũng có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với những điều trước đây chúng ta tránh né. Nó sẽ bao gồm [một điều gì đó liên quan tới câu hỏi]. Nó có thể khó khăn, thách thức. Nhưng một khi bạn thực sự [làm điều gì đó liên quan tới vấn đề], bạn sẽ rất hạnh phúc và có cảm hứng vì bạn [nhận được kết quả mong muốn]. Hãy xem [chủ đề, loại vấn đề] chi tiết hơn và bạn sẽ học được cách gì để [đạt kết quả] nhé!
Mỗi cách mở đầu đều có thế mạnh riêng và có thể phù hợp với các loại nội dung và đối tượng độc giả khác nhau. Hãy chọn cách phù hợp nhất với bài viết của bạn và thử nghiệm để tìm ra phương pháp nào hiệu quả nhất.