Cách bạn nói và viết bộc lộ tính cách con người bạn
Ngôn từ có thể tiết lộ tính cách. Bạn sẽ ngạc nhiên với những gì mình đang chia sẻ mà không hề hay biết!
Nếu tình cờ nghe được một cuộc trò chuyên trên đường, liệu bạn có thể đoán được tính cách của ai đó dựa trên từ ngữ họ sử dụng và chủ đề họ nói đến? Và nếu mình gửi cho bạn đọc một truyện ngắn, bạn có thể đoán được tính cách của tác giả thông qua ngôn từ trong truyện?
Chúng ta thường được nhắc nhở "lựa lời mà nói". Thế nhưng lời nói của chúng ta có thể tiết lộ nhiều hơn những gì mình muốn. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tính cách được bộc lộ khá đúng qua ngôn ngữ, từ những ngôn từ được đăng tải trên Facebook cho đến cách đặt tên cho tiêu đề, cho tên sản phẩm của mình.
Những người có tính cách hướng ngoại thường ồn ào và thích tán gẫu hơn những người hướng nội. Họ cũng có tốc độ nói chuyện nhanh hơn. Những phụ nữ hướng ngoại thường thích trò chuyện theo nhóm, trong khi nam giới hướng nội lại dành nhiều thời gian để tự đối thoại.
Những người hướng nội và hướng ngoại cũng sử dụng ngôn ngữ theo cách khác nhau. Cách đây vài năm, một nhóm nghiên cứu tại Đại học VU, Amsterdam, do Camiel Beukeboom dẫn đầu, đã yêu cầu 40 tình nguyện viên quan sát các bức ảnh với các ngữ cảnh khác nhau và nói ra những gì họ thấy. Họ nhận thấy ngôn ngữ của người hướng ngoại có xu hướng trừu tượng và mơ hồ hơn, trong khi những người hướng nội diễn đạt cụ thể hơn.
Những người hướng ngoại nói: "Bài báo này thật xuất sắc"
Những người hướng nội nói: "Bài báo này chứa rất nhiều thông tin"
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy những người hướng nội có xu hướng sử dụng nhiều mạo từ hơn. Họ cũng cẩn trọng hơn trong việc chọn từ ngữ, thường sử dụng các từ ngữ mang tính chất không chắc chắn (như "có lẽ," "có thể") và thích dùng số liệu cụ thể.
Những người hướng ngoại nói: "Hãy ăn gì đó đi!"
Những người hướng nội nói: "Có lẽ chúng mình thử đi ăn bánh mì kẹp thịt nhỉ?"
Hầu hết những người hướng ngoại thích tận hưởng cuộc sống nhanh, thường uống rượu, quan hệ nhiều và đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với những người hướng nội. Mỗi khi họ nói chuyện, người hướng ngoại có xu hướng chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Mối liên hệ giữa tính cách và ngôn ngữ cũng mở rộng sang văn viết. Khi Jacob Hirsh và Jordan Peterson từ Đại học Toronto yêu cầu học sinh viết về trải nghiệm trong quá khứ và các mục tiêu tương lai, họ nhận thấy rằng những người thiên về hướng ngoại thường đề cập đến những từ liên quan đến mối quan hệ, bởi vì người hướng ngoại là "những nhà thám hiểm xã hội tích cực."
Ngôn ngữ cũng phản ánh các khía cạnh khác trong tính cách, chẳng hạn như tính cởi mở (những người có tính cởi mở thường sử dụng nhiều từ liên quan đến giác quan), khả năng nhạy cảm về cảm xúc (thường xuyên đề cập đến các vấn đề căng thẳng), và sự tận tâm (những sinh viên chăm chỉ thường sử dụng nhiều từ liên quan đến thành tựu và công việc).
Người dễ bị kích động hay chia sẻ: "Tôi mang trong mình một nỗi buồn ghê gớm"
Trong khi người cởi mở nói: "Bạn chỉ cần được lắng nghe"
Người tận tâm có thể nói: "Chúng ta có thể cùng nhau xử lý nó"
Tính cách cũng được thể hiện nổi trội trong việc viết lách sáng tạo. Vào năm 2010, một nhóm các nhà tâm lý học người Đức cho hơn 100 học sinh tham dự 5 từ gợi ý ("máy bay rơi", "nữ bồi bàn", "pháo hoa", "thời trung cổ" và "siêu thị") và sau đó yêu cầu họ viết một truyện ngắn bao gồm các từ này.
Các sinh viên cởi mở đã đưa ra những câu chuyện sáng tạo hơn, trong khi những sinh viên ít sáng tạo hơn lại viết nên các câu chuyện mang tính xã hội cao hơn.
Khi một nhóm khác được cho xem những câu chuyện và yêu cầu đánh giá tính cách của các tác giả, họ đã làm khá tốt. Hầu hết các nghiên cứu này đều xem xét riêng từng ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng trong môi trường cách ly.
Tuy nhiên, điều gì xảy ra khi chúng ta trò chuyện với nhau? Một nghiên cứu cho thấy nếu bạn đặt một nhóm người hướng nội vào cùng một phòng, họ có xu hướng thảo luận về việc giải quyết các vấn đề cụ thể. Ví dụ: "Tôi phải tìm một căn hộ vì người bạn cùng phòng đang khiến tôi phát điên".
Ngược lại, khi người hướng ngoại trò chuyện với nhau, họ có xu hướng nói về nhiều chủ đề hơn, chẳng hạn như "Tôi thích chạy bộ" hay "Cửa hàng Starbucks mới mở trông thật tuyệt." Điều này phù hợp với những gì chúng ta đã biết: Người hướng ngoại thường có xu hướng tận hưởng cuộc sống hơn. Ngày nay, chúng ta dành cả ngày để gửi email, viết blog, và cập nhật Facebook, và có vẻ như ngôn ngữ chúng ta sử dụng trên các nền tảng kỹ thuật số này cũng phản ánh tính cách của mình.
Bằng cách phân tích nội dung của gần 700 blog chứa hàng trăm nghìn từ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin nhận thấy những từ ngữ mà mọi người sử dụng phù hợp với cách họ tuyên bố về tính cách của mình, ví dụ như những người tự nhận mình dễ tính thường ít văng tục hơn.
Nhưng nhóm nghiên cứu đi xa hơn, thậm chí là ghép đôi những nét tính cách với việc sử dụng những từ ngữ cụ thể. Những người đạt điểm cao hơn về tính cởi mở có nhiều khả năng nói từ "uống" hơn. Câu chuyện cũng tương tự với Facebook.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người hướng ngoại có khuynh hướng nhắc đến những cảm xúc tích cực và tình huống xã hội thường xuyên hơn, trong khi những người ghi điểm cao về cảm xúc thất thường có xu hướng sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất như "tôi" và "mình/tớ".
Người hướng ngoại nói: "Chúng tôi rất hạnh phúc!"
Người thường có cảm xúc bất ổn nói: "Tôi đang vui". Thật đáng ngạc nhiên khi những mối liên hệ giữa ngôn ngữ và tính cách này lại rất nhất quán.
"Trong một số tình huống, bạn có thể chọn cho mình một cá tính có lợi chỉ bằng cách thay đổi ngôn ngữ bạn thường sử dụng". Trên thực tế, có vẻ như chúng ta thường luôn cố giải mã tính cách của những người mình bắt gặp qua ngôn ngữ họ sử dụng. Chúng ta liên tục đánh giá người khác, ngay cả dựa trên cách một ai đó chọn địa chỉ email.
Ví dụ, những người có nhiều con số trong địa chỉ email của họ thường được xem là ít tận tâm hơn. Trong khi đó, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng các địa chỉ email hài hước thuộc về những người hướng ngoại (mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng).
Ý tưởng rằng ta có thể vô tình tiết lộ một điều gì đó về bản thân mỗi khi nói chuyện, viết lên Facebook có thể khiến nhiều người không thoải mái, đặc biệt nếu bạn không muốn người khác hiểu quá nhiều về mình. Nhưng nó cũng có thể giúp thay đổi cách người khác nhìn nhận bạn. Trong một số tình huống, chẳng hạn như trong phỏng vấn việc làm hoặc thời gian đầu hẹn hò, bạn có thể chọn cho mình một cá tính có lợi chỉ bằng cách thay đổi ngôn ngữ bạn thường sử dụng.
Bạn thấy cách bạn viết có bộc lộ con người bạn không?