Hiểu con người - Bí quyết để viết tốt hơn
Con người là ngọn lửa khơi nguồn cảm xúc và sự sáng tạo bất tận. Bắt trọn suy nghĩ, cảm hứng từ họ chính là đạt được kho báu ý tưởng cho ngòi bút của bạn.
Sách báo hay tivi là những nguồn thông tin hữu ích, tuy nhiên cá nhân mình thấy rằng, nguồn thông tin phong phú nhất đối với một người viết là đến từ cuộc sống thường nhật, từ những con người xung quanh ta.
Họ có thể là bất kỳ ai, một anh chàng shipper lễ phép, một phụ nữ giàu cáu kỉnh trước bến xe buýt, một nghệ sĩ đường phố biểu diễn bằng cả đam mê, một ông sếp khó tính luôn đòi hỏi sự hoàn hảo hay một đứa trẻ lên 3 với ánh mắt tò mò khám phá thế giới…
Quan sát cách con người hành động và tự hỏi tại sao họ lại làm như vậy là một phương pháp cực kỳ hữu ích để tìm cảm hứng và chất liệu viết lách.
Vì sao ư? Đơn giản là vì ba lý do sau đây:
1. Thay đổi quan điểm cá nhân
Phần lớn thời gian, chúng ta sống tập trung vào bản thân, không mấy quan tâm đến những “trận chiến” tâm lý đang diễn ra xung quanh. Nhưng khi chúng ta quan sát và bắt đầu tư duy phản tư về hành động của người khác, chúng ta sẽ có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống, thoát khỏi lăng kính chủ quan.
2. Rèn luyện khả năng thuyết phục
Quan sát con người và tình huống giúp rèn luyện khả năng thấu hiểu và thuyết phục. Bạn sẽ nhận ra điều gì khiến ai đó thích thú, đam mê mãnh liệt. Phân tích những yếu tố này và tìm ra mẫu số chung sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc mong muốn của họ. Từ đó, bạn có thể viết những nội dung thuyết phục hơn, đánh trúng tâm lý người đọc.
3. Thấu cảm và dễ hòa đồng hơn
Quan sát và hiểu về con người giúp bạn dễ dàng hòa đồng với nhiều người, dù họ đến từ đâu hay có hoàn cảnh thế nào. Sự đồng cảm này không chỉ làm cho việc viết lách của bạn trở nên sinh động mà còn giúp chạm đến trái tim người đọc. Một người viết có khả năng kiểm soát cái tôi và thể hiện được sự đồng cảm sẽ dễ dàng tạo sự kết nối sâu sắc với người đọc (tất nhiên còn tuỳ vào thể loại bạn viết là gì).
Làm thế nào để quan sát và hiểu con người một cách hiệu quả?
Quan sát là khả năng cơ bản mà hầu hết chúng ta đều có, nhưng, không phải là kỹ năng sắc sảo mà ai cũng nắm vững. Bạn không chỉ đơn thuần là nhìn nhận mọi thứ xung quanh một cách bị động, hời hợt mà đòi hỏi một chút tậm trung và tư duy trong nó. Để rõ ràng hơn, bốn cách dưới đây của mình sẽ giúp bạn nắm được cách quan sát đúng đắn và thâú hiểu con người, từ đó làm giàu thêm chất liệu cho bài viết của mình.
Cách 1: Trở nên khách quan
Cố gắng giữ cho mình một đôi mắt khách quan, không phán xét mỗi khi bắt đầu việc quan sát mọi người xung quanh. Nếu bạn học về thuyết phục và tâm lý, bạn sẽ nhận thấy rằng con người không có ai thực sự khách quan được hết. Nhưng chúng ta có thể “khách quan hơn” nếu cố gắng để làm điều đó. Hít thở sâu. Đóng lại những thành kiến của bản thân hoặc gạt nó sang một bên và đánh giá những tình huống một cách trung thực sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về hành động của họ.
Việc trở nên khách quan giúp bạn mở rộng tầm nhìn, thoát khỏi những rào cản vô hình của tư duy chủ quan. Điều này giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Khi viết, bạn sẽ dễ dàng đặt mình vào phía người đọc, đồng thời mô tả và phân tích các tình huống và nội dung một cách chân thực, đa chiều và hấp dẫn.
Cách 2: Ghi chú
Lưu ý về sự xuất hiện và hành vi của những người bạn gặp. Đặc biệt, chú ý đến tư thế, trang phục, và thần thái của họ. Chẳng hạn trong phim ảnh hay quảng cáo, nhân vật phản diện thường có phong cách thế nào? Còn các anh hùng thì sao? Những chi tiết này có thể cung cấp cho bạn những góc nhìn mới về khả năng thuyết phục.
Ghi chú lại giúp bạn lưu giữ những quan sát chi tiết, giúp làm rõ những mẫu hình hành vi và cảm xúc mà bạn có thể không nhận ra ngay. Điều này cải thiện khả năng phân tích của bạn, cho phép bạn xây dựng các chi tiết trong nội dung bài viết một cách hợp lý, cụ thể và sinh động hơn. Việc ghi chú còn tạo ra một kho tư liệu quý giá để bạn có thể tham khảo và lấy cảm hứng trong quá trình viết.
Cách 3: Trò chuyện và lắng nghe
Nếu bạn muốn học cách thuyết phục, đừng bỏ qua việc trò chuyện với mọi người. Khi bạn tương tác với họ, hãy trở thành người lắng nghe nhiều hơn là nói. Trở thành người lắng nghe chủ động bằng cách đặt câu hỏi và chú tâm vào câu trả lời của họ. Kỹ năng này, giống như coaching, giúp bạn nắm bắt cách họ suy nghĩ và cảm nhận về các vấn đề khác nhau. Sự chú tâm này không chỉ cung cấp thông tin quý giá mà còn làm họ cảm thấy được tôn trọng.
Ngoài ra, trò chuyện giúp bạn phát triển sự đồng cảm và khả năng giao tiếp hiệu quả. Điều này cho phép bạn mô tả các cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật một cách chân thực trong quá trình áp dụng Storytelling trong bài viết. Bạn sẽ có thể tạo ra những đoạn hội thoại tự nhiên, sống động và đánh đúng tâm trạng và tư duy của độc giả.
Cách 4: Đặt mình vào vị trí của họ
Thử xỏ chân vào giày của người khác để hiểu rõ hơn về nỗi sợ và mong muốn của họ. Đó cũng là cách giúp bạn học được cách cảm thông, hiểu biết và cuối cùng là thuyết phục. Copywriting là một ví dụ. Nếu bạn muốn bán một sản phẩm cho một người hoàn toàn không giống mình, bạn phải hiểu được nỗi sợ và mong muốn sâu sắc nhất của họ. Để làm được điều đó, bạn phải đặt mình và vị trí của họ và hiểu những suy nghĩ của họ.
Đặt mình vào vị trí của người khác giúp bạn giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về động lực và nhu cầu của người đọc. Điều này cải thiện khả năng viết của bạn bằng cách cho phép bạn tạo ra những nội dung phản ánh chân thực và đáp ứng đúng nhu cầu của độc giả hoặc khách hàng. Bạn sẽ hiểu được giới hạn giữa ngôn từ mạnh mẽ và lỗ mãng, giữa hài hước và lố lăng, giữa chuyên nghiệp và tẻ nhạt.
Khi bạn là một người viết, dù bạn sống bằng nghề viết hoặc coi viết là công cụ để phát triển sự nghiệp và nhân hiệu, bạn sẽ nhận ra rằng trên đời này không có ai nhàm chán hay vô vị. Mỗi người đều có những câu chuyện riêng để kể và có những bài học để dạy cho chúng ta. Hãy theo dõi họ, quan sát họ, xem họ tức giận, hạnh phúc, hào hứng bởi điều gì. Đó là chìa khóa để viết nên những câu chuyện sâu sắc và đầy cảm hứng.