Bạn có thể đã viết rất siêng năng, thậm chí viết hàng ngày nhưng bạn vẫn không thấy mình tiến bộ? Có thể đó là bởi vì bạn chưa cụ thể hóa mục tiêu của mình.
Để thành công, bạn phải biết rõ mình phải đạt được những gì, thể hiện bản thân ra sao. Cụ thể hóa ước mơ, càng chính xác càng tốt bởi nếu không những nỗ lực tập luyện của bạn sẽ nhấn chìm trong sự nhầm lẫn, mông lung.
Mơ ước là cần thiết nhưng đừng mù quáng
Bạn muốn trở thành tác giả sách bán chạy? Bạn muốn trở thành cây viết tự do với thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng? Ước mơ này không có gì sai cả, nhưng nó cần cụ thể hơn nữa. Vì nếu bạn không tưởng tượng rõ ra được bạn thực sự muốn gì, hành trình sắp tới đây với nhiều đấu tranh và cố gắng có thể rất dài và vô ích.
Mình đã biết nhiều cây viết rất nghiêm túc và đầy hứa hẹn nhưng cuối cùng bị mắc kẹt trong cái bẫy mong muốn và kỳ vọng của chính mình. Họ mong muốn được ngồi lên lưng ngựa, tức là trở thành cây viết nổi tiếng nhưng không đưa ra được chính xác những gì họ muốn và làm thế nào để làm điều đó.
Thường thì những người này có khả năng hoặc năng khiếu tự nhiên về văn học. Họ hi vọng mình có thể thay đổi cuộc sống của mình và của rất nhiều người khác nhờ những gì họ viết ra. Nhưng họ trì hoãn và không thực sự bắt đầu. Ước mơ mãi chỉ là ước mơ.
Họ nói rằng “Em muốn tìm công việc nào đó mà có thể tận dụng khả năng viết của mình", “Em muốn phát triển kỹ năng viết sáng tạo hơn", “Em muốn trở thành một cây viết tự do", “Em muốn xuất bản một cuốn sách", “Em muốn kiếm được tiền từ viết lách"…
Dù đó là những ước mơ nhưng nó chưa phải là những mục tiêu cụ thể. Nó vẫn còn quá mơ hồ và vô nghĩa. Nó rất đẹp nhưng thiếu tính xây dựng. Nó phản ánh mưu cầu rất chân thành nhưng lại không rõ ràng ở cách bắt đầu lập kế hoạch và hành động ra sao. “Trở thành một cây viết" là mục tiêu quá lớn, chẳng khác nào như “trở thành triệu phú”, “trở thành tổng thống” hay ước mình “được hạnh phúc”.
Làm rõ những ước mơ
Ước mơ càng rõ càng tốt. Càng chi tiết ra những gì bạn đạt được, bạn sẽ càng có khả năng thực hiện hóa được chúng.
Giấc mơ lớn nhỏ không quan trọng. Quan trọng là thiết lập mục tiêu chính xác, rõ ràng và không mập mờ, lập lờ. Ví dụ “Tôi sẽ trở thành một cây viết, 2 năm tới xuất bản cuốn sách đầu tiên, có 1 công việc liên quan tới viết và sống được cơ bản từ viết".
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu và mục tiêu còn quá mơ hồ, hãy trả lời những câu hỏi sau đây:
Bạn muốn trở thành cây viết như thế nào? Rất nổi tiếng? Rất tài năng? Nhưng bạn sẽ viết cho ai? Bạn thích viết gì nhất hoặc là viết tốt cái gì nhất? Thể loại nào bạn chọn để viết?
Bạn sẽ hoàn thiện bản thảo hoặc các sản phẩm viết (ví dụ như blog) của mình khi nào? Bạn sẽ viết bao nhiêu từ một tuần? Bạn có viết được quanh năm không? Bạn sẽ là tác giả với nhiều thể loại hay chỉ một thể loại? Điều gì xảy ra nếu viết không hoặc chưa trở thành nguồn thu nhập chính?
Bạn sẽ tìm tới nhà xuất bản hay khách hàng nào? Bạn sẽ liên hệ trực tiếp hay nhờ qua ai đó?
Bạn tự xuất bản một cuốn sách (ví dụ như ebook) của riêng mình không? Bạn sẽ bán nó ở đâu?
Bạn có sẵn sàng để ngồi xuống và bắt đầu tập viết, nhưng là tập viết có mục tiêu cụ thể không?
Ngoài ra, sáng nay mình có chia sẻ trong nhóm kín Những người viết hàng ngày một hướng dẫn liên quan tới việc tìm ra lý do của việc viết. Tìm ra lý do thực sự của việc bạn viết hay chọn lựa viết lách cũng vô cùng quan trọng.
Xin trích đăng lại ở đây cho những bạn không phải thành viên trong nhóm này cùng đọc bởi vì áp dụng quy tắc này cũng có thể giúp bạn tìm ra ước mơ và các mục tiêu thật sự của mình:
Giới thiệu về quy tắc "5 lý do"Sakichi Toyoda là sáng lập của Toyota Motor, ông cũng được biết đến rất nhiều với quy tắc "5 lý do". Trong tất cả các tình huống khó khăn, ông đã sử dụng quy tắc này và nó đã giúp ông rất nhiều.Ví dụ, khi bạn muốn mặc một chiếc váy sexy mà bạn chưa từng mặc bao giờ. Bạn sẽ cần tự hỏi:
Câu hỏi "tại sao" số 1: Tại sao tôi nên mặc chiếc váy này? - Bởi gì tôi muốn làm người yêu tôi bất ngờ.
Câu hỏi "tại sao" số 2: Tại sao bạn muốn làm người yêu ngạc nhiên? - Bởi vì tôi muốn làm cho mình thu hút hơn trong mắt anh ấy.
Câu hỏi "tại sao" số 3: Tại sao bạn là muốn mình thu hút hơn? - Bởi vì tôi cảm thấy có gì đó không an toàn trong mối quan hệ của chúng tôi.
Câu hỏi "tại sao" số 4: Tại sao bạn cảm thấy không an toàn? - Tôi cảm thấy chồng không quan tâm đến tôi, cảm giác như chúng tôi có khoảng cách, tôi đánh mất bản thân để làm anh ấy chú ý.
Câu hỏi "tại sao" số 5: Tại sao bạn lại đánh mất bản thân? - Vì chọn chiếc váy là việc mà tôi thực sự không thích, tôi không thích mặc đồ quá hở hang. Toyoda nói rằng câu trả lời cho câu hỏi "tại sao" số 5 chính là nguyên nhân gốc rễ mà nếu như không tự hỏi, chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy. Câu trả lời số 5 luôn tiết lộ một điều gì đó đã bị ẩn đi. Nhưng nó lại chính là câu trả lời thực sự cho chúng ta.
Có lẽ đây là một cách hiệu quả để bạn có thể kiểm tra những gì đang ẩn đi đằng sau một vấn đề hay câu chuyện. Cảm ơn ông Sakichi Toyoda rất nhiều!--
Ứng dụng quy tắc này trong viết lách như thế nào?Mình đã thử nghiệm quy tắc này trước khi viết bài và trả lời cho câu hỏi "Tại sao tôi viết bài viết này". Ví dụ, khi mình viết bài viết chia sẻ về quy tắc 5 câu hỏi tại sao này, mình đã tự hỏi:
Tại sao tôi viết bài này? - Vì nó là cách hữu ích với tôi và tôi muốn chia sẻ nó trong cộng đồng.
Tại sao tôi cần chia sẻ trong cộng đồng? - Vì có nhiều người vẫn gặp khó khăn với việc xác định mục tiêu của bài viết trước khi viết.
Tại sao họ lại gặp khó khăn trong việc xác định mục tiêu? - Vì họ thường viết theo cảm hứng hoặc không biết cách làm sao để đặt ra mục tiêu cho mình, chưa có ai hướng dẫn họ!
Tại sao họ lại viết theo cảm hứng? - Vì họ là những người viết nghiệp dư, còn phụ thuộc vào cảm xúc chứ chưa xây dựng và duy trì được thói quen viết.
Tại sao họ không xây dựng được thói quen viết? - Vì họ chưa có mục đích cụ thể cho việc tập viết, họ chỉ coi nó như sở thích và làm khi họ thích. =>Rút ra: Họ không đặt ra những câu hỏi thật sự sâu để tìm ra lý do của việc mà họ đang làm và vì vậy họ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hoặc trì hoãn với việc viết.Ở một phiên bản khác:
Tại sao tôi viết bài này? - Vì tôi đã áp dụng rất hữu ích và tôi muốn chia sẻ nó trong cộng đồng.
Tại sao tôi phải chia sẻ trong cộng đồng? - Vì tôi muốn tạo ra ảnh hưởng với những người đang tập viết trong cộng đồng này.
Tại sao tôi muốn tạo ra ảnh hưởng với họ? - Để họ nhìn nhận tôi là người viết chuyên nghiệp và tin tưởng vào sự hướng dẫn của tôi.
Tại sao tôi cần họ tin tôi? - Để tôi có thể tiếp thị hoặc giới thiệu các sản phẩm có liên quan của mình về sau này.
Tại sao tôi phải tiếp thị các sản phẩm của mình? - Vì tôi là người hướng dẫn viết, tôi cần có sản phẩm của mình. =>Rút ra: Muốn bán được sản phẩm, cần chia sẻ những điều hữu ích và xây dựng được niềm tin. --Bạn thấy đấy, câu trả lời số 5 luôn chỉ ra một QUÁ TRÌNH. Chúng ta thường có các lý do về thời gian, nguồn lực, sự đầu tư khi có một thứ thất bại xảy ra. Nhưng nó không phải là nguyên nhân gốc rễ. Các lý do đó có thể đúng nhưng không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.Và cuối cùng, quan trọng là sau câu hỏi tại sao số 5, hãy hỏi “Tại sao quá trình này thất bại?”.Quy tắc này có thể áp dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, riêng với viết, nó có thể giúp bạn tìm ra mục tiêu, các rào cản của bạn, tìm ra insight của khách hàng/độc giả hoặc đơn giản là trả lời cho câu hỏi “tôi viết bài này để làm gì" mỗi khi bạn chuẩn bị đặt bút viết.