Viết rõ ràng trước khi viết "thần sầu"
Hãy viết như một người dẫn đường. Dẫn dắt độc giả đến đích thay vì làm khó họ bởi những thứ bạn cho là "thú vị."
Điểm chung kỳ lạ ở nhiều người mình gặp khi viết nội dung ở thời gian đầu thường có những cách tiếp cận, xử lý văn bản nội dụng khá giống nhau:
cố gắng dùng những từ kêu, chơi chữ, ép vần
cố gắng viết dài dòng, “nguy hiểm”, nhiều ẩn ý ở phần tiêu đề hoặc mở đầu
đầu voi đuôi chuột, mở đầu rất “hoành tráng” nhưng càng về sau càng hời hợt
lạm dụng trích dẫn, tỏ ra mình thông minh thay vì làm rõ điều mình muốn nói cho độc giả
một số, đọc cả bài mà không hiểu đang muốn nói về điều gì hoặc đưa ra các “key takeaways” cụ thể
Hãy tưởng tượng bạn đang đi trên đường cao tốc tới một địa điểm hoàn toàn mới. Tất cả những gì bạn có thể bám vào là các tấm biển chỉ dẫn. Nhưng biển chỉ dẫn cho bạn lại toàn là những nội dung kiểu như:
Cứ đi rồi sẽ đến
Mặt trời đang ở phía trước
Đó sẽ là nơi tuyệt vời nhất bạn từng có mặt
Lúc đầu bạn thấy nó có vẻ thú vị, giải trí, nhẹ nhàng. Nhưng càng đi bạn càng thấy rối. Bạn không biết mình phải đi đâu, rẽ chỗ nào, điểm dừng là gì. Không hề có một dấu hiệu nào cho thấy bạn phải đi ra sao và đâu là điểm đến hay những nút giao. Bạn lạc hướng và bắt đầu tức giận bởi đống biển báo thừa thãi và cuối cùng quyết định quay xe hay dừng hành trình. Thứ bạn cần là sự rõ ràng và hiệu quả, không phải những thứ vui vẻ, ru ngủ hay cố tỏ ra hài hước, thông minh.
Hãy tưởng tượng chuyến xe đó cũng giống như hành trình một người tìm tới trang cá nhân của bạn, tìm đọc nội dung bài viết, quyển sách hay khoá học của bạn. Những thứ hài hước và có vẻ thú vị sẽ là điều họ quan tâm hơn hay nội dung rõ ràng, hữu ích, thực tế và sự chuyên nghiệp, tin cậy?
Khi bạn viết một nội dung khiến người đọc phải bối rối, mơ hồ về giá trị mang lại hoặc cảm thấy bạn đang cố tỏ ra “nguy hiểm” và thông minh, phần đông độc giả sẽ bỏ qua hay có ác cảm với nó. Sự kết nối giữa bạn và độc giả sẽ biết mất và họ cũng biến mất khỏi bạn sau đó.
Vậy, bài viết của bạn đã đủ rõ ràng trước khi nghĩ đến việc nó thú vị?
4 khía cạnh bạn cần làm rõ trong bài viết của mình
#1. Rõ ràng về chủ đề
Hãy cho người đọc biết bạn viết về điều gì trước khi họ kịp lướt qua bài viết của bạn.
Lưu ý, chủ đề của bài viết của bạn cần cụ thể. Thay vì một chủ đề chung chung kiểu “Đây là một bài viết về sự căng thẳng”, bạn cần cần rõ ràng nó như sau:
“Đây là một bài viết về sự căng thẳng ở dân văn phòng.”
“Đây là một bài viết về giải toả sự căng thẳng ở dân văn phòng.”
“Đây là một bài viết về giải toả sự căng thẳng ở dân văn phòng ngành IT.”
Chủ đề càng cụ thể, bạn càng dễ tiếp cận và thuyết phục độc giả của mình.
#2. Rõ ràng về vấn đề
Khách hàng hoặc độc giả sẽ quan tâm khi họ hiểu về bối cảnh của chủ đề mà bạn đang viết. Nếu được, hãy cụ thể hoá những vấn đề để họ biết chính xác nó là gì, tại sao nó là một vấn đề, tại sao giải quyết vấn đề lại quan trọng và khiến họ cảm thấy phải tò mò hoặc cấp bách khi giải quyết vấn đề đó.
Hãy tự tham chiếu câu trả lời của bạn trong bài viết qua những câu hỏi sau:
Vấn đề thực sự tôi muốn đề cập trong bài viết là gì?
Vì sao nó quan trọng với người đọc (chứ không phải với tôi)?
Tại sao họ cần quan tâm tới vấn đề đó?
Nó có tính cấp bách, gấp gáp không?
Làm sao để thuyết phục người đọc rằng nó quan trọng, cấp thiết?
#3. Rõ ràng về giải pháp
“Chúng tôi cung cấp chương trình tiếng anh với giáo trình quốc tế, giáo viên bản ngữ và mở ra cơ hội để trẻ trở thành công dân toàn cầu”…
Đây có lẽ là một ví dụ minh hoạ tuyệt vời cho việc chính người viết cũng không biết họ viết gì và muốn gửi gắm thông điệp gì. Tiếc là nó xuất hiện la liệt trong các sản phẩm nội dung ngày nay.
Tệ hơn, bạn còn thường gặp những bài phát biểu được viết theo kiểu này:
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được quan tâm đẩy mạnh và có nhiều đổi mới. Vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động từng bước được nâng lên; việc thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể, giám sát việc thực hiện các quy định lao động ngày càng đi vào thực chất.
Mỗi lần đọc/nghe được mình lại thấy “ngứa ngáy” bởi không hiểu họ đang đọc và muốn nói về cái gì. “Có nhiều đổi mới”, “được nâng lên”, “đi vào thực chất”… là những cụm từ rất chung chung và vô cùng mơ hồ.
Có một bài tập thực hành bạn có thể làm ở phần này, đó là hãy nói về giải pháp, chuyên môn của bạn trong một câu dưới 10 từ. Nếu bạn không thể nói về những gì bạn làm trong một câu dưới 10 từ, bạn không thể chứng minh cho người đọc biết bạn đem đến điều gì. Đáng ngại hơn, có thể chính bạn cũng chẳng biết mình đang làm gì.
“Viết tốt hơn và sự nghiệp tự do bền vững” - đó là giải pháp của bản tin này.
Còn bạn? Hãy comment phía dưới giải pháp, chuyên môn của bạn không quá 10 từ.
#4. Rõ ràng trong sự chuyển đổi, chuyển tiếp
Sự chuyển tiếp ở đây là sự mượt mà trong việc kể một câu chuyện với khách hàng hoặc độc giả trong nội dung của bạn. Một bài viêt cần có mở đầu để dẫn tới xung đột, có vấn đề rồi dẫn tới giải quyết và sự thay đổi hoặc kết thúc.
Nội dung bắt đầu là gì?
Chuyện gì xảy ra và vì sao nó quan trọng?
Giải quyết chuyện đó như thế nào?
Kết quả là gì và mọi thứ thay đổi ra sao?
Khách hàng đọc một bài viết, mua một sản phẩm thật sự không phải để mua bản thân sản phẩm. Họ mua giải pháp và sự biến đổi cho những vấn đề trong cuộc sống của họ. Họ phải nhìn được những lợi ích hứa hẹn trước mắt, những gì họ sẽ đạt được, những gì có thể xoay chuyển hay cải thiện tình hình của chính họ.
Thế nên, đừng bắt họ phải đoán. Đừng viết để biến người đọc thành kẻ ngốc. Hãy khiến họ có cảm giác thông minh, sáng suốt hơn.
Viết một bài viết giống như vẽ một bức tranh. Tranh truyền đạt rõ ý tưởng, có kết nối cảm xúc sẽ khiến người xem rung động.
Trên thế giới, các nhà nghiên cứu đánh giá độ khó của văn bản thông qua thang đo trình độ đọc. Cho bạn biết, những tờ báo lớn nhất thế giới như New York Times có tiêu chuẩn độ khó để cả những em bé lớp 3 cũng có thể hiểu và dễ dàng đọc chúng.
Nếu nội dung của bạn khiến một đứa trẻ 8-9 tuổi khó khăn trong việc đọc hiểu bạn đang viết gì, đây là lúc bạn cần quay đầu xem lại nội dung và cách viết của mình.
Hôm nay, hãy thử nhìn lại nội dung và thực hành viết với 4 lưu ý trên để nội dung của bạn trở nên rõ ràng hơn.
Bài viết hay quá em ạ
Rất hưu ích ạ. Cảm ơn a đã chia sẻ